Biên soạn: TS. BSTY. Đinh Xuân Phát
1. Giới thiệu
Thiếu dinh dưỡng hoặc dinh dưỡng không đúng cách làm cơ thể thiếu hụt các chất dinh dưỡng đại lượng (protein, chất béo, tinh bột, đa khoáng) hay các chất dinh dưỡng vi lượng (khoáng vi lượng, vitamin...) đều dẫn đến sự thiếu hụt đáp ứng miễn dịch của cơ thể chống lại các viêm nhiễm thông thường. Sự phát triển bình thường của hệ thống miễn dịch sẽ bị ảnh hưởng nặng hơn khi sự thiếu hụt dinh dưỡng xảy ra ở những thời điểm nhạy cảm như mang thai, mới sinh hoặc cai sữa. Sự viêm nhiễm sẽ xảy ra với tần suất nhiều hơn và có nguy cơ trở thành mãn tính cao hơn ở những cá thể thiếu dinh dưỡng. Sau đó, sự kết hợp giữa bệnh mãn tính với sự thiếu dinh dưỡng càng ảnh hưởng xấu hơn đến hệ thống miễn dịch, dẫn đến sự thay đổi trong số lượng và tỷ lệ của các tế bào miễn dịch, và thường tăng tỷ lệ các tế bào và protein điều hòa phản ứng viêm cho đến khi cơ thể kiệt quệ hoàn toàn.

Kết quả nghiên cứu cho thấy sự dung nạp miễn dịch đối với các kháng nguyên của cơ thể hay các vi sinh vật có lợi trong đường tiêu hóa và khả năng kiểm soát phản ứng viêm có liên quan trực tiếp đến các cơ chế miễn dịch đặc hiệu và được điều hòa chung bởi điều kiện dinh dưỡng. Mỗi chất dinh dưỡng có một nhiệm vụ riêng trong cơ thể. Một số có thể hoạt động như các chất chống oxy hóa, một số có chức năng như các đồng yếu tố trong việc điều hòa hàm lượng cytokine của hệ thống miễn dịch. Thiếu hụt và sai lệch trong nhu cầu protein, năng lượng và thiếu hụt khoáng chất (nhất là kẽm) sẽ kích hoạt hệ thống nội tiết tố Hạ tầng thị giác – Tuyến yên – Tuyến thượng thận, làm tiết ra hormon glucocorticoid nhiều hơn bình thường. Quá nhiều hormon này khiến cho tuyến ức bất triển và ức chế quá trình tạo tế bào máu, cả hồng cầu lẫn các loại bạch cầu. Để hiểu rõ về các loại bạch cầu trong máu, xin tham khảo phần ‘Các tế bào của hệ miễn dịch’.

Thiếu dinh dưỡng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng đề kháng ở các khía cạnh như:

- Thiếu dinh dưỡng làm cơ thể thiếu khả năng sản xuất các cytokine cần thiết cho việc thiết lập các đáp ứng miễn dịch. Các chất trong nhóm Leukotriene giảm có ảnh hưởng lớn đến khả năng tập hợp các bạch cầu đến vị trí viêm và giảm khả năng thực bào và xử lý kháng nguyên (vi sinh vật) của chúng. Đó là do các tế bào bạch cầu thoát mạch giảm biểu hiện thụ thể CD11b/CD18 (thụ thể CR3) và giảm sản xuất các chemokine kích thích phản ứng viêm như MIP1 và MIP2.
- Bên cạnh đó, thiếu dinh dưỡng cũng làm thay đổi hệ vi sinh vật có lợi đường ruột theo chiều hướng xấu, gián tiếp giúp cho sự bám dính và phát triển của các vi sinh vật gây bệnh.

- Đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi sự thiếu hụt dinh dưỡng so với miễn dịch thể dịch. Do tuyến ức, nơi trưởng thành của lympho T, bị suy kiệt nên không thể giúp sản xuất các lymph T đủ khả năng đáp ứng với kích thích của kháng nguyên. Trong khi đó, đáp ứng miễn dịch dịch thể tạo kháng thể chống lại polysaccharide của vi khuẩn hay đối với các virus bất hoạt trong vacxin vẫn được duy trì ở đối tượng có chế độ dinh dưỡng sai lệch (Cunningham-Rundles et al., 2005).
Thiếu hụt các yếu tố vi lượng sẽ ảnh hưởng rõ rệt đến đáp ứng miễn dịch tế bào, đáp ứng miễn dịch dịch thể và cả đáp ứng miễn dịch bẩm sinh.
Tài liệu tham khảo
1. Cunningham-Rundles, S., McNeeley, D.F., Moon, A., 2005. Mechanisms of nutrient modulation of the immune response. J Allergy Clin Immunol 115, 1119-1128; quiz 1129.